Trong những năm gần đây, nhu cầu lắp đặt và sử dụng thang máy gia đình tại thị trường Việt Nam ngày càng tăng nhanh, thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc., thị trường thang máy toàn cầu dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 7% trong giai đoạn dự báo 2017 – 2027.
Có thể thấy, các yếu tố liên quan đến giới hạn, khả năng vận động của con người cũng như sự gia tăng nhanh chóng của các tòa cao ốc đã thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường thang máy trong nhiều năm qua.
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đời sống – xã hội, bên cạnh nhu cầu lắp đặt các dòng thang máy cho các tòa nhà cao tầng, nhu cầu về các dòng thang máy gia đình cũng ngày càng trở nên phổ biến.
Yếu tố thúc đẩy mở rộng thị phần thang máy gia đình
Thang máy gia đình giúp con người di chuyển thuận tiện, tiết kiệm sức lực hơn trong một ngôi nhà nhiều tầng. Dân số già hóa, khuyết tật hay gặp vấn đề về xương khớp chính là một trong những yếu tố thúc đẩy nhu cầu lắp đặt thang máy gia đình.
Cụ thể, theo báo cáo Triển vọng dân số thế giới vào năm 2022 do Liên Hợp Quốc công bố, tỷ lệ dân số toàn cầu từ 65 tuổi trở lên được dự đoán sẽ tăng từ 10% vào năm 2022 lên mức 16% vào năm 2050.
Điều này đồng nghĩa với việc những người từ 65 tuổi trở lên trên toàn thế giới được dự báo sẽ gấp đôi so với số trẻ em dưới 5 tuổi và bằng với số trẻ em dưới 12 tuổi vào năm 2050.
Già hóa dân số cùng những vấn đề liên quan tới khả năng vận động là một trong những động lực làm gia tăng nhu cầu sử dụng thang máy gia đình. (Ảnh: Shutterstock)
Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính tới năm 2022 có khoảng 1,3 tỷ người – tức khoảng 16% dân số toàn cầu – hiện đang bị khuyết tật đáng kể, khoảng 75 triệu người phụ thuộc vào xe lăn để đi lại hằng ngày.
Ngoài ra, thống kê của WHO cũng cho biết có khoảng 1,71 tỷ người mắc các bệnh về cơ xương khớp trên toàn thế giới, chiếm khoảng 21% dân số toàn cầu. Tổ chức này cũng xếp viêm xương khớp là một trong 10 bệnh mãn tính gây tàn phế nhiều nhất ở các nước phát triển.
Như vậy, có thể thấy rằng nhu cầu lắp đặt và sử dụng thang máy gia đình còn đến từ việc người dùng cuối (end-user) gặp các vấn đề về khả năng vận động như viêm xương khớp, đầu gối,…
Việt Nam – Thị trường tiềm năng của dòng thang máy gia đình
Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, trong những năm gần đây, bên cạnh các dòng thang máy cho các tòa nhà cao tầng, nhu cầu lắp đặt và sử dụng các dòng thang máy gia đình tại Việt Nam cũng ngày càng trở nên phổ biến và trở thành mảng kinh doanh tiềm năng của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo báo cáo “Việt Nam: Thích ứng với Xã hội Già hóa” của Ngân hàng Thế giới (World Bank), số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) đạt 6,31 triệu người, tức 6,7% dân số, tính đến năm 2014.
Theo kịch bản mức sinh trung bình dự đoán đến năm 2049, số người cao tuổi sẽ tăng mạnh lên 19,6 triệu người, cao hơn gấp ba lần so với năm 2014 và sẽ chiếm khoảng 18,1% dân số.
Phần trăm dân số từ 65 tuổi trở lên trên tổng phần trăm dân số Việt Nam giai đoạn 2000-2021. (Biểu đồ: World Bank)
Bên cạnh sự gia tăng nhu cầu sử dụng của bộ phận người cao tuổi, thị trường thang máy tại Việt Nam nói chung và dòng thang máy gia đình nói riêng ngày càng được mở rộng nhờ vào sự gia tăng dân số.
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), dân số Việt Nam sẽ sớm đạt 100 triệu người vào tháng 4/2023 và dấu mốc này sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới.
Dân số 100 triệu người đồng nghĩa với việc Việt Nam có một thị trường nội địa rộng lớn, thu hút dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực thang máy.
Ngoài ra, tiềm năng của thang máy gia đình tại thị trường Việt Nam còn tới từ cơ cấu nhà ở. Theo Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 do Tổng cục Thống kê công bố, tỷ lệ nhà chung cư ở Việt Nam chỉ chiếm 2,2% và nhà riêng lẻ chiếm tới 97,8%.
Có thể thấy rằng, việc sở hữu nhà mặt đất nhận được sự quan tâm, ưa chuộng lớn từ đa số người Việt Nam do tâm lý ăn chắc mặc bền, tích lũy tài sản. Ngoài ra, loại hình bất động sản này còn đáp ứng tối đa điều kiện sống, sự riêng tư, thoải mái và đặc biệt còn thể hiện phong cách sống, đẳng cấp của gia chủ.
Phân khúc thang máy gia đình cao cấp ngày càng phổ biến nhờ vào sự phát triển của các dòng bất động sản cao cấp như biệt thự, biệt thự liền kề.
Sự gia tăng thu nhập cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng các sản phẩm nội thất của người Việt hướng tới những sản phẩm sang trọng, bền vững đã mở ra không gian phát triển cho phân khúc thang máy gia đình cao cấp, tích hợp công nghệ cao và được chế tác bằng các vật liệu sang trọng.
Để đáp ứng nhu cầu về các dòng thang máy gia đình cao cấp, nhiều doanh nghiệp thang máy tại Việt Nam như Gama Lift, Aritco, Cibes,… đã nhập khẩu các dòng thang máy cao cấp từ các hãng uy tín trên thế giới.
Bên cạnh dòng thang nhập khẩu, một số công ty nội địa cũng tham gia vào hoạt động sản xuất các dòng thang máy gia đình như Thiên Nam, Thái Bình,…
Ngoài ra, trong những năm gần đây, các thương hiệu quốc tế cũng thúc đẩy quá trình đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh thang máy tại Việt Nam như Schindler, Kone, Otis,… trong đó có dòng thang máy gia đình.
Có thể thấy rằng, những lợi thế và tiềm năng của thị trường thang máy Việt Nam, đặc biệt là dòng thang máy gia đình đang thu hút sự quan tâm và đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp nội mà cả các thương hiệu quốc tế.