Đó là lời của người dân chung cư nói về tình trạng thang máy tại các khu nhà ở tái định cư và một số khu chung cư thương mại “cao tuổi” của Hà Nội. Việc sửa chữa những chiếc thang có độ tuổi từ 10 năm trở lên gặp rất nhiều khó khăn do thiếu linh kiện thiết bị đồng bộ. Còn thay thế thang thì chưa có bất cứ quy định nào quy định cụ thể về thời gian thay thế và việc huy động kinh phí gặp rất nhiều khó khăn.
Sửa chữa kéo dài vì thiếu linh kiện đồng bộ!
Theo đánh giá của nhóm chuyên gia kỹ thuật của Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy (trực thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam), sau hơn 10 năm sử dụng, nhiều thiết bị, linh kiện của thang máy cần thay thế để đảm bảo an toàn, trong đó có nhiều chi tiết quan trọng của thang.
Sửa chữa thang máy kéo dài vì thiếu linh kiện
Tuy nhiên, thực trạng đang diễn ra thế nào ở các chung cư Việt Nam và của Hà Nội nói riêng? Kết quả được thể hiện qua một số khảo sát, điều tra của phóng viên Tạp chí Thang máy ở rất nhiều khu nhà ở như khu tái định cư Đền Lừ, nhà NO5, khu đô thị Pháp Vân quận Hoàng Mai, Khu nhà ở công nhân Đông Anh, huyện Đông Anh…
Chẳng hạn, nhà G khu chung cư tái định cư Đền Lừ được đưa vào sử dụng từ năm 2003 trên địa bàn Phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Từ vài năm nay, 2 đơn nguyên 11 tầng có 4 chiếc thang thì 2 chiếc đã hỏng hoàn toàn, 2 chiếc còn lại cũng liên tục “đổ bệnh”. Cho tới nay, những thang máy này vẫn chưa được sửa chữa triệt để hoặc thay thế khiến người dân đi lại vô cùng vất vả.
Một ví dụ khác, khu nhà ở xã hội dành cho công nhân tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội gồm 4 đơn nguyên 15 tầng, có 8 chiếc thang máy nhưng thường xuyên bị hỏng. Thậm chí, có thời gian, 5/8 chiếc thang máy quá hạn kiểm định do không đủ điều kiện. Sau khi sửa chữa, những chiếc thang khi chạy phát tiếng kêu to và rung lắc rất đáng sợ nhưng những người công nhân cùng người nhà của họ hàng ngày vẫn phải nén sự sợ hãi để sử dụng phương tiện tiềm ẩn nguy hiểm này.
Còn tại tòa nhà NO5, khu đô thị Pháp Vân, quận Hoàng Mai, ông Lê Anh Đức, trưởng Ban quản trị tòa nhà cho biết, từ gần 1 năm nay, 2 thang máy của tòa nhà này bị sự cố liên tục như không gọi thang được, thang dừng bị tụt so với mặt tầng hoặc bỏ tầng không dừng. Ban quản trị tòa nhà đã yêu cầu đơn vị bảo trì thang máy có phương án sửa chữa dứt điểm nhưng cho tới nay thang vẫn chưa thể hoạt động bình thường…
Nguyên nhân là, những năm trước đây, phần lớn thang máy lắp cho các tòa nhà chung cư nói trên đều là loại nhập khẩu nguyên chiếc. Việc bảo trì, sửa chữa những năm sau đó phụ thuộc rất nhiều vào các nhà sản xuất thang. Trong khi đó, do thời gian quá lâu, nhiều loại thiết bị, linh kiện phục vụ sửa chữa đã không còn được sản xuất. Các loại thang máy mới cùng linh kiện thiết bị kèm theo đã được tích hợp nhiều công nghệ mới, trong nhiều trường hợp thiết bị, linh kiện không còn tương thích, phù hợp với các loại thang máy cũ nên việc sửa chữa thang máy cũ càng trở nên khó khăn. Trong một số trường hợp, các nhà sản xuất vẫn có thể cung cấp linh kiện, thiết bị công nghệ cũ phục vụ sửa chữa nhưng giá cả vô cùng đắt đỏ.
Thang máy tòa nhà NO5 khu đô thị Pháp Vân đã hết kiểm định từ tháng 7/2022. (Ảnh chụp ngày 14/1/2023)
Đại diện Ban quản trị tòa nhà NO5 chia sẻ, cách đây hơn 2 năm về trước, họ đã ký hợp đồng bảo trì với đại diện nhà sản xuất thang với giá 8 triệu đồng/thang/tháng. Đáng chú ý, hợp đồng chỉ bao gồm bảo trì và khắc phục các sự cố nhẹ, không bao gồm thay thế linh kiện. Từ hai năm trở lại đây, do nguồn tiền dành cho bảo trì tòa nhà đã cạn, Ban quản trị tòa nhà buộc phải ký hợp đồng bảo trì với một đơn vị khác. Mặc dù giá có rẻ hơn nhưng có thể do thay thế linh kiện thiết bị không đồng bộ nên từ 2 năm nay thang rất hay bị lỗi.
“Do thang bị lỗi liên tục nên mặc dù tháng 7/2022 là hết hạn kiểm định nhưng cho tới hôm nay (ngày 1/2/2023), chúng tôi vẫn chưa thể nghiệm thu phần sửa chữa thang để đủ điều kiện kiểm định!”. Vị đại diện Ban quản trị nói thêm, mặc dù thang không đủ điều kiện vận hành nhưng vẫn phải để bà con cư dân sử dụng vì tòa nhà có nhiều người già, trẻ nhỏ, “không thể bắt họ đi bộ”. “Dù thang có xuống cấp chúng tôi cũng không thể dừng thang. Khi thang hỏng tới đâu, chúng tôi sửa chữa tới đó để bà con có phương tiện sử dụng”, đại diện tòa nhà chia sẻ.
Thay thế thang còn khó hơn!
Nghiên cứu của Hiệp hội Thang máy châu Âu (ELA), tuổi thọ trung bình của thang máy được tính toán vào khoảng từ 20 – 25 năm. Tại thời điểm này thang máy trở nên kém hiệu quả và tốn kém hơn khi bảo trì và vận hành. Cùng với đó, yếu tố an toàn cho người sử dụng sẽ không còn được đảm bảo.
Rất khó tìm linh kiện để sửa chữa 2 cái tủ điện có độ tuổi trên 20 năm này. Ảnh chụp tủ điều khiển của 2 thang máy tại khu nhà tái định cư Đền Lừ – Quận Hoàng Mai
Ở nước ta, do các điều kiện khí hậu khắc nghiệt và tần suất sử dụng thang lớn, cùng với việc bảo trì, sửa chữa, thay thế linh kiện không đồng bộ, không đồng nhất về chất lượng, mạnh ai nấy làm,… dẫn đến tình trạng thang xuống cấp nhanh hơn.
Tại các chung cư thương mại có độ tuổi từ 10 năm trở lên, quỹ bảo trì đã cạn kiệt. Tất cả chi phí đều do người dân đóng góp, ngay việc huy động đóng góp kinh phí sửa chữa thang máy cũng gặp rất nhiều khó khăn nên việc huy động số tiền hàng tỷ đồng để thay thang mới hầu như bất khả thi. Còn tại các khu nhà ở tái định cư, nhiều trường hợp hạng mục thang máy vẫn thuộc sự quản lý của nhà nước nhưng việc sửa chữa rất chậm do nhiều nguyên nhân, như thủ tục thẩm định hư hỏng, thủ tục hành chính, thời gian giải ngân,…
Thực tế hiện nay hệ thống văn bản pháp luật chưa có một quy định nào cho “tuổi hưu” của thang máy nên không có căn cứ để buộc các chủ thang phải thay thế để đảm bảo an toàn.
Giải pháp nào cho thang máy chung cư “hết đát”?
Qua tìm hiểu cho thấy, Hà Nội hiện có rất nhiều chung cư có độ tuổi trên 10 năm. Do tình trạng sửa chữa, thay thế khó khăn nên có không ít thang máy đã phải “đắp chiếu chờ giải pháp” khiến cho việc đi lại của người dân đã khó lại còn khó hơn.
Những chiếc thang máy ở nhà NO5 khu đô thị Pháp Vân – Hoàng Mai – Hà Nội đang vận hành trong tình trạng không kiểm định
Câu chuyện sửa chữa, thay thế thang máy “hết đát” tại các khu chung cư và nhà tái định cư của Hà Nội hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ. Và trong khi chờ đợi, hàng ngàn cư dân chung cư vẫn phải hàng ngày đối mặt với nguy hiểm khi họ phải thường xuyên sử dụng những chiếc thang cũ kỹ, trong đó, không ít thang không đủ điều kiện vận hành…