Việc tận thu từ bảo trì, sửa chữa và nâng cấp thang máy càng nở rộ khi thị trường bán mới bị thu hẹp do suy thoái kinh tế và thị trường bão hòa. Đây cũng chính là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp thang máy đang thực hiện nhằm giải quyết vấn đề doanh thu, lợi nhuận.
Phần 1: Khi quyền sửa chữa thang máy của khách hàng bị ‘trói buộc’ bởi những công nghệ độc quyền
Và câu chuyện tận thu từ bảo trì và linh kiện
Có thể thấy rõ rằng, những thang máy với công nghệ độc quyền hay việc “trói buộc” khách hàng vào những dịch vụ sau bán hàng như bảo trì, sửa chữa với các linh kiện, thiết bị độc quyền đều mang lại nhiều lợi ích cho các hãng sản xuất.
Trong khi thị trường bán mới bị thu hẹp do kinh tế khó khăn, dòng vốn đổ vào xây dựng – bất động sản bị đóng băng trong thời gian qua và thị trường đã trở nên bão hòa, việc tận thu từ bảo trì và sửa chữa sẽ ngày càng nở rộ, đặc biệt là với những nhóm thang máy độc quyền về linh, phụ kiện, dịch vụ bảo trì.
Các công ty thang máy thường thông qua việc mở rộng bảo trì, nâng cấp thang, hiện đại hóa thang cũ và các dịch vụ sửa chữa nhằm giải quyết các vấn đề về doanh thu cũng như đạt mục tiêu lợi nhuận đã đề ra.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, quyền được sửa chữa mang một ý nghĩa lớn lao đối với phương diện sở hữu, tài chính cá nhân, và sự bền vững của môi trường (Ảnh: Shutterstock)
Vấn đề tận thu này không chỉ diễn ra ở ngành thang máy, hãng xe Tesla mới đây cũng đã vướng vào vụ kiện tập thể về chống độc quyền, cáo buộc tập đoàn này hãng đã tính giá “cắt cổ” cho khách hàng đối với các linh kiện khi sửa chữa và khiến họ phải chờ đợi quá lâu để cho các dịch vụ này.
Theo Bloomberg đưa tin, trong hồ sơ kiện, vị khách hàng tuyên bố chủ sở hữu của các phương tiện truyền thống có nhiều lựa chọn khi phương tiện của họ gặp sự cố như đến đại lý, ga ra tư nhân hoặc tự sửa chữa bằng các bộ phận do OEM hoặc bên thứ ba cung cấp.
Trong khi đó, chủ sở hữu xe Tesla chỉ có đúng một lựa chọn: Nhận xe của họ được bảo dưỡng tại công ty hoặc mạng lưới các trung tâm dịch vụ được Tesla phê duyệt chỉ sử dụng các bộ phận của Tesla.
Và tất nhiên, việc “trói buộc” khách hàng vào những dịch vụ chính hãng đã góp phần không nhỏ vào doanh thu 6,009 tỷ USD cho các dịch vụ và doanh thu ô tô khác của Tesla trong năm 2022 vừa qua.
Tăng trưởng doanh thu dịch vụ của Tesla (Biểu đồ: Bloomberg)
Có thể thấy, khi quyền quyết định rơi vào tay nhà sản xuất cũng sẽ dẫn tới hệ quả không ít vật tư, thiết bị thay vì được khắc phục, sửa chữa thì lại được thay mới ngay lập tức.
Điều này khiến chi phí bảo dưỡng, sửa chữa nhân lên gấp nhiều lần so với việc khách hàng có thể lựa chọn một bên thứ 3 để được giải quyết những vấn đề tương tự. Bên cạnh việc gây nên những khoản lãng phí không đáng có cho người tiêu dùng mà còn dẫn đến lãng phí nguồn lực xã hội, ảnh hưởng tới sự bền vững của môi trường.
Thậm chí, nếu nhà sản xuất chính hãng giữ độc quyền về bảo trì, sửa chữa, họ hoàn toàn có thể ấn định mức giá tùy ý và thường rất đắt đỏ chỉ bởi hai từ “chính hãng” và “chuyên nghiệp” – chỉ có duy nhất họ hiểu sản phẩm và cung cấp linh kiện tốt nhất.
Vấn đề này cũng giống như việc Apple từng bị chỉ trích nặng nề khi áp dụng chi phí sửa lỗi loa thông minh HomePod Mini lên tới 79 USD, trong khi giá mua một chiếc mới chỉ 99 USD.
Qua đó, các công ty dễ dàng thu lợi nhuận từ việc sửa chữa hoặc cung cấp các sản phẩm linh, phụ kiện bị phụ thuộc vào nhà sản xuất.
Luật chống độc quyền trên thế giới ra sao?
Quyền được sửa chữa mang một ý nghĩa lớn lao đối với phương diện sở hữu, tài chính cá nhân. Tại nhiều nước trên thế giới, việc ép người dùng sử dụng linh kiện hay dịch vụ độc quyền là vi phạm pháp luật.
Những thang máy mang công nghệ độc quyền thường khiến khách hàng khó sửa chữa, thay thế linh kiện (Ảnh: Peak Elevator)
Chẳng hạn như, trong Luật cạnh tranh chung (EC) số 1/2003, châu Âu đã ban hành các quy định về quyền cạnh tranh để đảm bảo các nhà sản xuất không thể áp đặt các điều kiện kinh doanh bất công như độc quyền bán linh kiên, thiết bị, phụ tùng hoặc sửa chữa.
Quy định nhằm tạo điều kiện để người tiêu dùng có quyền tiếp cận với các linh kiện, thiết bị và dịch vụ tương đương của các nhà sản xuất khác.
Theo Luật cạnh tranh của Nhật Bản, quốc gia này cũng áp dụng các quy định cấm các công ty sản xuất thang máy không được phép áp đặt các hạn chế đối với các nhà cung cấp linh kiện, thiết bị và phải cho phép các nhà cung cấp bên ngoài có quyền tiếp cận với thị trường. Điều này giúp khách hàng có nhiều lựa chọn để sửa chữa hoặc nâng cấp sản phẩm.
Những điều này cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã luật hóa để đảm bảo chống độc quyền phân phối, cung cấp linh kiện, thiết bị trong đó có ngành thang máy.
Ngoài ra, dựa trên việc thiếu các tiêu chuẩn về thời gian thay thế, định mức thay thế linh kiện thang máy khiến cho khách hàng dễ bị trục lợi, Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy – VILEA thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) cũng đã xây dựng bộ tiêu chuẩn “Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy”.
Không chỉ là căn cứ giúp người tiêu dùng có thể bảo vệ bản thân khỏi vấn nạn tận thu từ bảo trì, sửa chữa trong quá trình sử dụng thang máy, bộ tiêu chuẩn này còn giúp các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp làm căn cứ để lập định mức kinh phí bảo trì, thời hạn thay thế thiết bị, linh kiện hợp lý.
Nhìn chung, để góp phần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, hướng tới lợi ích phục vụ cộng đồng, Việt Nam cần tạo ra hành lang pháp lý đủ mạnh để hạn chế tình trạng độc quyền trong việc cung cấp dịch vụ bảo trì, bán linh kiện.
Việc này cũng giúp cho người tiêu dùng Việt không rơi vào “bẫy lệ thuộc” của các nhà sản xuất, dù là trong hay ngoài nước.