Không thể phủ nhận các dòng thang máy có các công nghệ độc quyền có nhiều tính năng ưu việt, hiện đại, song cũng chính sự độc quyền đã khiến cho nhiều khách hàng trở nên phụ thuộc khi việc sửa chữa linh, phụ kiện không hề dễ dàng.
Quyền được sửa chữa là khái niệm khá mới, bắt nguồn từ nước Mỹ. Về cơ bản, quyền được sửa chữa là quyền được tự sửa chữa hoặc nhờ bên thứ ba sửa chữa một món đồ thuộc sở hữu hợp pháp mà không phải phụ thuộc vào nhà sản xuất.
Có thể thấy, cùng với sự phát triển của công nghệ, đồ điện tử càng ngày càng khó sửa chữa vì thiết kế ngày càng phức tạp. Song, đôi khi sự phức tạp ấy là có chủ đích của nhà sản xuất. Họ đặt ra nhiều “chướng ngại vật” để hạn chế khả năng chủ động chỉnh sửa thiết bị thuộc sở hữu của người dùng.
Chẳng hạn như, trong các dòng sản phẩm công nghệ của mình, Apple thường sử dụng loại ốc vít độc quyền mang tên gọi là pentalobe screw – loại ốc vít có hình bông hoa năm cánh, nhằm ngăn chặn người dùng hay đại lý độc lập có thể “mổ xẻ” vào thiết bị do hãng sản xuất.
Việc bị ràng buộc trong bảo trì, sửa chữa đối với những sản phẩm mang tính “độc quyền” không chỉ diễn ra đối với những khách hàng sử dụng sản phẩm của Apple, nhìn vào ngành thang máy, không ít hãng sản xuất thang cũng tích hợp những công nghệ độc quyền vào sản phẩm của mình.
Nhiều nhà sản xuất thường không muốn sản phẩm có thể dễ dàng sửa chữa, thay thế linh kiện nhằm buộc khách hàng phải phụ thuộc (Ảnh: The New York Time)
Công nghệ độc quyền và sự “trói buộc” quyền được sửa chữa
Kể từ khi đất nước bắt đầu mở cửa và các công trình cao ốc xuất hiện, thang máy mới thực sự du nhập vào Việt Nam. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, Việt Nam dần trở thành thị trường tiềm năng, không chỉ của các hãng thang máy quốc tế lớn mà ngay cả doanh nghiệp Việt cũng chú trọng tham gia vào mảng kinh doanh này.
Sự xuất hiện và phát triển của các hãng thang máy tại thị trường Việt Nam đã mang đến những ý nghĩa lớn khi người tiêu dùng Việt được hưởng thụ những sản phẩm, dịch vụ tốt cùng các công nghệ hiện đại, tiên tiến.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, thang máy giờ đây không chỉ là phương tiện di chuyển thông thường, các dòng thang máy ngày nay được tích hợp những tiện ích thông minh, công năng vượt trội,… song song với đó là những công nghệ độc quyền.
Chi phí sửa chữa, bảo trì thang máy là chi phí tối quan trọng, quyết định tuổi thọ của thang máy (Ảnh: iStock)
Tuy nhiên, mặt khác, việc quyết định mua và sử dụng sản phẩm từ một số hãng thang máy sở hữu công nghệ độc quyền cũng khiến khách hàng vô tình bị đẩy vào yếu thế, khi buộc phải sử dụng các dịch vụ độc quyền từ bảo trì, sửa chữa linh kiện trong suốt vòng đời của sản phẩm.
Chi phí khi mua thang máy chia thành hai phần: chi phí mua thang và chi phí bảo trì, sửa chữa. Trong khi nhiều khách hàng nghĩ rằng phần chi phí mua thang máy là phần chi phí tốn kém nhiều nhất, thực tế, chi phí bảo trì và sửa chữa mới là chi phí tối quan trọng.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Thang máy châu Âu, tuổi thọ trung bình của thang máy được tính toán vào khoảng từ 20 – 25 năm. Song, để kéo dài tuổi thọ của thang thì việc bảo trì, sửa chữa đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Mỗi thiết bị, linh kiện đều có vòng đời nhất định. Có linh kiện có thể sử dụng từ 15 – 20 năm, nhưng cũng có những linh kiện chỉ có tuổi thọ khoảng 3 – 5 năm đầu tiên.
Và đây cũng chính là thời điểm, những khoản chi từ bảo trì, sửa chữa bắt đầu “bào mòn” ví tiền của khách hàng, đặc biệt với những dòng thang máy đi kèm với các thiết bị độc quyền, dịch vụ sửa chữa chính hãng.
Khi quyền quyết định không nằm trong tay người sở hữu
Thông thường khi khách hàng mua thang máy thì tâm lý và thói quen khiến họ muốn được sử dụng các dịch vụ đi kèm như bảo trì, sửa chữa. Đây là một nhu cầu chính đáng bởi nó mang lại sự yên tâm cho khách hàng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ được mặt trái của vấn đề này.
Dịch vụ bảo trì, sửa chữa và thay thế linh kiện của các nhà sản xuất thang máy lớn thường có chi phí cao hơn hẳn so với các dịch vụ tương tự từ nhà cung cấp thứ ba.
Chẳng hạn như, đối với những thiết bị đơn giản như công tắc hành trình, quạt thang máy, bộ truyền động cửa,… đây là những thiết bị dễ dàng tìm nguồn chính hãng hoặc từ các công ty sản xuất thiết bị gốc OEM (Original equipment manufacturer). Qua đó, các doanh nghiệp khác có thể dễ dàng thay thế và sửa chữa với mức giá rẻ hơn rất nhiều so với dịch vụ chính hãng.
Cụ thể, công ty sản xuất thiết bị gốc OEM là những công ty chuyên sản xuất các thiết bị, phụ tùng gốc theo đơn hàng của nhà sản xuất khác và được gắn nhãn hiệu của nhà sản xuất.
Song, sự “trói buộc” quyền được sửa chữa của khách hàng khi sử dụng một số dòng thang máy công nghệ độc quyền lại thể hiện rõ nhất ở những thiết bị mang tính phức tạp hơn, những linh, phụ kiện độc quyền như bo mạch điều khiển, cảm biến,…
Chẳng hạn như, một thang máy mang thương hiệu lớn của châu Âu bị hỏng một thiết bị quan trọng trong tủ điều khiển là biến tần. Người ta buộc phải thay đúng thiết bị này của nhà sản xuất thì tủ điều khiển mới hoạt động được, còn nếu không thì buộc phải thay cả hệ thống điện gồm tủ điều khiển; bo mạch hiển thị cửa tầng, cabin; hộp điều khiển trên nóc cabin và thậm chí cả một số chi tiết liên quan đến máy kéo (ví dụ như encorder,…).
Hay nhiều linh kiện, thiết bị, phần mềm điều khiển quan trọng trong thang máy công nghệ độc quyền có mật khẩu hoặc thiết kế riêng nên không thể thay thế bằng linh kiện tương ứng hay phần mềm mở của các nhà sản xuất khác.
Điều này khiến cho các đơn vị khác không thể can thiệp, bảo trì được và khách hàng bắt buộc phải sử dụng luôn dịch vụ chính hãng mà không có sự lựa chọn nào khác. Bởi vậy, khách hàng buộc phải chi tiền để thay thế cả cụm dù chỉ hỏng một linh kiện.
Bên cạnh những khả năng hỗ trợ tuyệt vời, chip T2 cũng gây ra khá nhiều phiền toái cho người dùng (Ảnh: Wired)
Câu chuyện này cũng giống như con chip T2 của Apple, mẫu chip có thể tự động tắt máy nếu phát hiện có bộ phận nào đó do chip T2 kiểm soát như Touch ID, mainbord,… bị thay thế bởi bên thứ 3, dù cho linh, phụ kiện của bên thứ 3 có cùng công năng hay chất lượng tốt.
Ngoài con chip T2, Apple còn sử dụng phần mềm chuẩn đoán độc quyền của hãng mang tên Apple Service Toolkit 2. Máy tính chỉ khởi động lại khi các trung tâm sửa chữa được Apple ủy quyền sử dụng phần mềm này.
Cũng bởi thế mà khiến khách hàng bị “trói buộc” vào những “chiêu thức” độc quyền ngay cả sau bán hàng, khi sản phẩm đã thuộc quyền sở hữu của khách hàng.
Khi thiết bị, linh kiện đã thuộc về công nghệ cũ
Câu chuyện độc quyền linh, phụ kiện không chỉ dừng lại ở việc không thể thay thế các thiết bị còn “hợp thời”. Đối với những linh kiện đã trở nên lỗi thời, thuộc về công nghệ cũ và không còn được các công ty sản xuất thì câu chuyện “tái sinh” những chiếc thang máy cũ từ nhiều năm trước càng trở nên khó khăn hơn, kể cả khi bỏ ra rất nhiều tiền.
Thực tế, hiện nay, không ít thang máy ở những căn chung cư tại Hà Nội rơi vào tình trạng “chờ thuốc” khi những thiết bị cần thay thế đều là thiết bị độc quyền chính hãng. Việc bảo trì, sửa chữa phụ thuộc rất nhiều vào các nhà sản xuất thang.
Trong khi đó, nhiều trường hợp do thời gian quá lâu, nhiều loại thiết bị, linh kiện phục vụ sửa chữa đã không còn được sản xuất.
Không ít thang máy ở những căn chung cư tại Hà Nội rơi vào tình trạng “chờ thuốc”
Các loại thang máy mới cùng linh kiện thiết bị kèm theo đã được tích hợp nhiều công nghệ mới, trong nhiều trường hợp thiết bị, linh kiện không còn tương thích, phù hợp với các loại thang máy cũ nên việc sửa chữa thang máy cũ càng trở nên khó khăn.
Trong một số trường hợp, các nhà sản xuất vẫn có thể cung cấp linh kiện, thiết bị công nghệ cũ phục vụ sửa chữa nhưng giá cả vô cùng đắt đỏ. Bên cạnh đó, việc đặt hàng linh kiện chính hãng còn mất nhiều thời gian, thậm chí cả vài tháng trời.